Chuyên ngành
Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức (Logistics and Multimodal Transport Management) Mã ngành/Mã số xét tuyển 7510605
Đánh giá chung về nhu cầu Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ngành nghề trong nền kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng to lớn.
Chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI – Logistics Performance Index) 2018 của Việt Nam được Ngân hàng Thế Giới công bố trong báo cáo tháng 07 năm 2018, theo đó Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016 (64/160). Đây là kết quả của những chính sách, chiến lược đúng đắn và kịp thời của nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam đã góp phần đáng kể gia tăng số lượng các doanh nghiệp logistics. Theo số liệu từ Tổng cục thống kế, biến động số lượng doanh nghiệp logistics của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2018 như sau: từ con số 17.132 doanh nghiệp năm 2013 đến năm 2017 đã tăng lên 29.123 doanh nghiệp và năm 2018 là 29.694 doanh nghiệp (trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam công bố có trên 4000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp và có cung cấp dịch vụ logistics quốc tế). Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) về số lượng doanh nghiệp từ năm 2013 đến năm 2018 vào khoảng 11,63%. Có một điểm nổi bật là có đến 54% số lượng doanh nghiệp logistics tập trung tại TPHCM do ưu thế của Tp HCM về nguồn hàng với hoạt động xuất nhập khẩu của Tp HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối tuyến vận tải quốc tế qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cũng như cụm cảng khu vực Tp HCM đặc biệt là cửa ngõ xuất khẩu qua cảng Cát Lái. Theo nghiên cứu của Bộ môn Quản trị logistics và vận tải đa phương thức trong Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) công bố, thiếu hụt nhân sự là một trong ba vấn đề chủ yếu gây khó khăn cho các công ty logistics trong phát triển hoạt động kinh doanh.
Dự báo của VLA đến năm 2030 nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự. Ngoài ra, theo Báo cáo logistics Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương, nếu tính cả nhu cầu nhân lực logistics thuộc các cấp độ trong doanh nghiệp logistics và nhân lực logistics từ các doanh nghiệp sản xuất thì nhu cầu nhân lực logistics có thể lên đến 2,2 triệu người đến năm 2030. Trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực logistics hiện tại chỉ đạt 10%.
Đào tạo Trường Đại học GTVT TP.HCM trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là trường đa ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải lớn nhất phía Nam. Năm 2008, Trường trở thành trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức trình độ đại học chính quy với thời gian đào tạo là 4 năm.
Mãi đến năm 2013, mới có thêm một số trường đại học bắt đầu mở ngành/chuyên ngành logistics. Năm 2019, chương trình Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức chính thức thuộc mã ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (mã số 7510605) theo Quyết định số 1045/QĐ-BGDĐT ngày 19/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chuyên ngành Quản trị logistics và vận tải đa phương thức là 1 trong 2 chương trình đào tạo được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện công tác tự đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhằm hướng tới cung cấp nguồn nhân lực logistics có chất lượng cao, năm 2016, Trường đã mở thêm chương trình đào tạo chất lượng cao cho chuyên ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức.
Cũng trong năm này, Trường đã hợp tác liên kết với Trường Đại học Tongmyong (Hàn Quốc) đào tạo chuyên ngành Quản lý Cảng và Logistics. Khoa Kinh tế vận tải đào tạo chuyên ngành Quản trị logistics và vận tải đa phương thức hiện nay có tất cả 45 giảng viên; trong đó có 4 Phó giáo sư, 7 Tiến sĩ và 34 Thạc sĩ. Đến nay, chuyên ngành Quản trị logistics và vận tải đa phương thức của Trường đã tuyển sinh được khóa thứ 12, trong đó có 8 khóa sinh viên đã tốt nghiệp và trở thành những cán bộ quản lý, nhân viên có chuyên môn tốt được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước cũng như góp phần quan trọng phát triển ngành logistics Việt Nam. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng luôn được cập nhật với sự đóng góp ý kiến từ các bên liên quan từ giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp sử dụng nhân lực, các chuyên gia đào tạo nhằm xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp nhu cầu của ngành nghề trong xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh công tác đào tạo và nghiên cứu, khoa cũng rất chú trọng phát triển các hoạt động học thuật của sinh viên. Năm 2018, Đội thi UT-L.O.G.S của Khoa đã xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất trong vòng bán kết khu vực phía Nam và đồng thời giành giải Nhì toàn quốc và giải ấn tượng nhất của Cuộc thi “Vietnam Young Logistics Talent 2018” do mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức lần đầu tiên với sự bảo trợ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trên quy mô toàn quốc; năm 2019 đội thi của Khoa cũng xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất trong vòng bán kết khu vực phía Nam; giải triển vọng và giải yêu thích nhất trong vòng chung kết toàn quốc. Hiện nay, các chương trình đại trà, chất lượng cao và liên kết quốc tế của Trường về đào tạo nguồn nhân lực logistics là đa dạng nhất khu vực phía Nam.
Kiến thức ngành học – Kiến thức cơ sở về kinh tế: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Luật kinh tế,… – Kiến thức về cơ sở ngành: Thương mại điện tử, Hàng hóa, Luật vận tải, Nghiệp vụ ngoại thương, Thanh toán quốc tế, Quản lý dự án, Quản trị chiến lược, Quản trị marketing, Quản trị chất lượng… – Kiến thức chuyên ngành: Vận tải đa phương thức, Quản trị logistics, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị kho hàng và tồn kho, Kinh tế vận tải và logistics, Giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan, Phân tích hoạt động kinh doanh,…
Điểm nổi bật ngành học của Trường Trường chú trọng logistics trong vận tải (đường biển, đa phương thức)
Hiểu về ngành học: Ngành học giải quyết bài toán tối ưu hóa quá trình lưu chuyển vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ, thông tin,… từ trước khi đựa vào sản xuất/xử lý cho đến sản phẩm được trao tận tay khách hàng cuối cùng phải đảm bảo 7 right “right time, right product, right customer, right condition, right quantity, right price, right place” (đúng thời điểm, đúng sản phẩm, đúng khách hàng, đúng điều kiện, đúng số lượng, đúng giá, đúng nơi).
Ví dụ Một cái máy tính mình đang sử dụng được sản xuất từ nhiều nhà máy trên thế giới. Sau đó được phân phối toàn cầu. Yêu cầu cần có đủ các yếu tố đầu vào như nguyên liệu thu mua, vận tải và lưu kho trước khi sản xuất; yêu cầu phân phối sản phẩm ra thị trường đến tay khách hàng phải kịp thời, đảm bảo chất lượng, chi phí hợp lý,…
Tất cả điều đó => cần rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho nhà sản xuất như thu mua, vận tải, thủ tục hải quan – giao nhận xuất nhập khẩu, lưu kho, phân phối, bảo hành, xử lý đơn hàng, giải quyết sự cố (khi sản phẩm bị lỗi cần thu hồi về từ các nước trên toàn thế giới để sửa chữa sau đó chuyển lại các trung tâm khu vực và quốc gia để giao lại cho khách hàng). Các nhà sản xuất nếu tự làm điều đó sẽ thiếu chuyên nghiệp, thiếu mạng lưới và chi phí – thời gian kém hiệu quả. Vì vậy rất cần vai trò của nhà cung cấp dịch vụ logistics (party logistics)
.
Thương mại điện tử có vai trò quan trọng của logistics Ví dụ: Amazon, Tiki, Lazada, Shopee,… phải xử lý hàng nghìn, hàng chục nghìn đơn hàng trong ngay và phải giao hàng chặng cuối đến tay khách hàng; xử lý khi khách hàng trả hàng,…
=>
CẦN có trung tâm logistics để tiếp nhận thông tin đơn hàng của khách hàng để xử lý đảm bảo thông suốt và khách hàng nhận được hàng đúng lúc, đúng yêu cầu… Các chuỗi bán lẻ như Vinmart, Bách hóa xanh,… để có hàng tươi nguyên hàng ngày phải làm tốt nhất các khâu chọn nhà cung cấp; vận chuyển từ nông trại, nhà máy đến cửa hàng và giao cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất.
=>
CẦN vai trò của logistics và chuỗi cung ứng. Covid 19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất toàn cầu => nguyên liệu không thể vận chuyển giao đến nhà máy, hàng sản xuất ra không thể xuất khẩu đi, khách hàng không đến siêu thị mua hàng dẫn đến kho hàng ùn ứ hàng hóa, hàng hư hỏng,…
=>
CẦN logistics phân tích và xử lý, lựa chọn kho hàng phù hợp để bảo quản hàng, chọn phương thức vận tải và tuyến đường phù hợp để vận chuyển… Và tư vấn logistics giúp công ty sản xuất nên đặt kho phân phối ở đâu để phân hàng đi toàn quốc cho thuận lợi, nên thiết kế kho thế nào cho tối ưu và tiết kiệm,… Ngành Logistics là ngành có tính ứng dụng công nghệ thông tin rất cao. Nguồn Edu.vn